Nằm nép mình bên bờ Nam sông Mã, với những bãi bồi màu mỡ, trù phú, đây là một lợi thế trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.
Nhiều năm nay, do năng xuất lúa, ngô, khoai… không còn đạt hiệu quả cao như trước nên người dân nơi đây đã đem cây rau má về thay thế.
Đây là loại cây dễ trồng, phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn, có giá trị kinh tế cao.
Là người gắn bó hơn chục năm với cây rau má, ông Nguyễn Thành Vinh bộc bạch: Trước đây, khu vực này bà con thường trồng lúa, rau màu nhưng theo thời gian, dòng chảy của sông Mã thay đổi nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng xuất cây trồng. Chính vì vậy, một số hộ đã mạnh dạn đưa cây rau má về trồng.
Theo những người trồng rau má ở đây, cây rau má sau khi trồng thì khoảng 30 - 45 ngày có thể cho thu hoạch (tùy từng mùa vụ).
Rau má sau khi thu hoạch về, trước khi đưa ra thị trường sẽ được rửa sạch, nhặt hết lá héo.
Cây rau má được người dân nơi đây thu hoạch quanh năm. Bình quân mỗi ngày, một hộ dân xuất bán từ 60 -70 kg với giá từ 20 - 35 nghìn đồng/kg (tùy từng thời điểm).
Rau má được trồng thành từng luống để dễ làm cỏ và chăm sóc.
Trồng rau má quan trọng nhất là phải theo dõi thời tiết, nhằm có biện pháp bón phân, tưới lượng nước cho phù hợp.
Cây rau má tuy trồng không khó nhưng để có rau đem bán lại mất khá nhiều công chăm sóc.
Là giống cây ưa nước, nên cây rau má phát triển mạnh từ tháng 4 đến tháng 8, vào mùa đông và mùa khô, sản lượng sẽ kém hiệu quả hơn, trung bình từ 5 - 6 tạ/sào. Sau khi thu hoạch, ngoài việc làm cỏ, tưới nước, để tăng chất dinh dưỡng giúp rau sinh trưởng nhanh người dân thường sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây.
Đối với rau má, thường rất ít sâu bệnh nên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Ông Lương Trọng Tuấn, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp sạch làng cổ Đông Sơn cho biết: Hiện làng Đông Sơn có khoảng 15 hộ trồng rau má, mỗi hộ trồng trung bình từ 2- 3 sào. Thời gian gần đây, Công ty CP liên minh HTX nông lâm sản Thanh Hóa đã ký bao tiêu sản phẩm cho người dân, đặc biệt, đây sẽ là nơi cung cấp cây giống đến các địa bàn khác trong và ngoài tỉnh. Điều này giúp người dân nơi đây ngày càng yên tâm sản xuất.
Những ngày nắng nóng chính là thời điểm rau má bán chạy nhất trong năm.
Theo Báo Thanh Hóa